1. Hàm lượng chất dinh dưỡng có trong dâu tằm
Trong dâu tằm có chứa thành phần beta-carotene ( vitamin A), vitamin E, vitamin K1, vitamin C, thiamin (vitamin B1), axit folic, sắt, kali… rất tốt cho cơ thể.
Loại quả này còn có các chất khác chống oxy hóa, ví dụ như: polyphenol, isoquercetin, alkaloid… Trong đó dâu tằm chín mọng đậm màu chứa rất nhiều hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa, cao hơn dâu tằm chưa chín mọng.
Theo đó, cứ trong 100g dâu tằm tươi có chứa:
- Năng lượng: 43 calo.
- Nước: 87,68g.
- Protein: 1.44g.
- Chất béo: 0.39g.
- Carbohydrate: 9,8g.
- Đường: 8,1g.
- Canxi: 39 mg.
- Sắt: 1,85 mg.
- Magie: 18 mg.
- Photpho: 38 mg.
2. Công dụng của dâu tằm
Dâu tằm hoặc các chiết xuất từ dâu tằm có thể giúp chống lại một số bệnh mãn tính, chẳng hạn một số bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh ung thư. Ngoài ra, một số lợi ích sức khỏe mà dâu tằm có thể mang lại cho bạn:
- Giảm cholesterol: Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng dâu tằm có thể giúp giảm mỡ thừa, giảm lượng cholesterol. Chiết xuất dâu tằm cũng có thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi giữa cholesterol xấu LDL và cholesterol tốt.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Dâu tằm có chứa một hợp chất có tác dụng ứng chế một loại enzyme trong ruột có chức năng phân hủy carbs đó là deoxynojirimycin (DNJ). Chính vì vậy, dâu tằm có thể giúp trong việc chống lại bệnh tiểu đường bằng cách làm giảm sự gia tăng lượng đường trong máu sau các bữa ăn.
- Giảm nguy cơ ung thư: Các nghiên cứu trên thực vật cho thấy chất chống oxy hóa trong nước ép dâu tằm có thể giúp làm giảm stress oxy hóa, từ đó làm giảm nguy cơ ung thư.
3. Chuẩn bị nguyên liệu để thực hiện cách làm siro dâu tằm
- 3 kg dâu tằm chín mọng
- 1.5 kg đường cát trắng
Với phần nguyên liệu nhiều như này, phù hợp cho 6 người ăn, hoặc có thể lưu trữ trong lọ thủy tinh để mang tặng cho người thân hoặc bạn bè, đồng nghiệp.
Cách làm siro dâu tằm có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào phần chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là dâu tằm. Vì vậy, bạn cần lựa những quả dâu tằm tươi, chín mọng để đảm bảo hương vị của thành phẩm sau khi ngâm. Cách chọn như sau:
- Nên chọn những trái dâu tằm có kích thước to đều, có màu tím sẫm, căng mọng, những trái còn cuống và còn tươi sẽ là những trái dâu mới hái.
- Không chọn những trái dâu bị nhũn hay quá cứng, chọn trái có độ mềm vừa phải.
- Không chọn quả quá chín, bị dập, hư hỏng vì không còn được tươi và hay có sâu bọ ở bên trong. Chỉ nên sử dụng những trái này không đảm bảo được chất lượng và độ ngon.
4. Cách làm siro dâu tằm thơm ngon
Cách làm siro dâu tằm thơm ngon rất đơn giản. Để làm được một mẻ siro dâu tằm ngon thì bạn cần tỉ mỉ trong từng công đoạn thực hiện, từ sơ chế nguyên liệu đến cách ngâm và cách bảo quản.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Dâu tằm sau mua về, tìm và nhặt bỏ quả bị hư (dập, úng, bị sâu ăn).
- Sau đó cắt bỏ phần cuống, lá vẫn còn sót lại trên quả dâu tằm.
- Rửa dưới vòi nước nhẹ nhàng cho đến khi quả dâu sạch bụi bẩn.
- Đem dâu đi ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng 5 - 10 phút.
- Khi ngâm xong, rửa sạch lại với nước nhiều lần, trải đều dâu lên một cái khay cho mau ráo nước.
Bước 2: Tiến hành ngâm siro dâu tằm
Rải đều một lớp đường vào một cái tô thủy tinh sạch, kế tiếp cho một lớp dâu tằm vào. Lần lượt làm cho đến khi hết dâu tằm, trên cùng rải thêm vào một lớp đường cát trắng, rồi đậy cái tô lại.
Để phẩn dâu đã ướp vào một nơi thoáng mát, ướp trong khoảng 1 - 2 ngày đến khi đường tan, dùng một cái vá dằm nhẹ cho mật dâu tiết ra.
Bước 3: Tiến hành nấu siro dâu tằm
- Cho hỗn hợp dâu đã ngâm vào một cái nồi to, bắc lên bếp và đun lửa vừa cho hỗn hợp sôi đều.
- Sau khi siro dâu tằm đã sôi, chỉnh lửa nhỏ lại và nấu thêm trong khoảng 20 đến 30 phút nữa thì tắt bếp, rồi để siro nguội.
Mẹo nhỏ: Khi nấu siro dâu tằm cần lưu ý, nên đảo nhẹ phần dâu không để chìm xuống đáy nồi kẻo bị cháy.
Bước 4: Thành phẩm siro dâu tằm
Sau khi hỗn hợp siro dâu tằm đã nguội, bạn sử dụng một cái rây lọc tách phần nước cốt siro và bã ra. Siro sau khi hoàn thành có màu đỏ thẫm bắt mắt. Khi thưởng thức có mùi thơm và vị ngọt thanh mát.
Rót siro vừa hoàn thành vào ly, thêm một ít nước đá, vậy là đã có một ly siro dâu tằm thơm ngon mát lạnh đặc trưng của quả dâu tằm. Vị chua chua ngọt ngọt của món siro dâu tằm này là một trong những nước giải khát nên có trong mùa hè này.
Mách nhỏ:
Phần bã dâu tằm sau khi lọc có thể dùng làm mứt dâu ăn cùng với bánh mì, hoặc đem ngâm cùng với rượu ngon, sau vài ngày sẽ có rượu dâu tằm để thưởng thức.
Cách bảo quản siro dâu tằm: Cho siro dâu tằm vào hũ thủy tinh, bảo quản ở những nơi thoáng mát, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần trong 2 đến 3 tuần.
Có thể nói, cách làm siro dâu tằm không quá phức tạp, chỉ với nguyên liệu đơn giản, dễ tìm. Đừng quên lưu lại công thức này để làm một mẻ siro thơm ngon giải nhiệt cho mùa hè nóng bức.