1. Cách làm mứt gừng truyền thống
Mứt gừng là một trong những món nhâm nhi không thể thiếu trong ngày Tết, gắn kết gia đình hơn cùng với tách trà nóng. Để có thể làm món mứt này các bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu dưới đây.
1.1. Nguyên liệu chuẩn bị để thực hiện cách làm mứt gừng truyền thống
- 500 gram gừng tươi
- 1 quả chanh
- 250 gram đường cát trắng
1.2. Hướng dẫn các bước thực hiện cách làm mứt gừng truyền thống
Bước 1: Tiến hành sơ chế gừng
- Đem gừng đã chuẩn bị, bỏ vào 1 cái thau nhỏ để ngâm nước trong khoảng 15 phút để gừng mềm dễ sơ chế hơn, dùng 1 cái muỗng cạo sạch đi lớp vỏ bên ngoài của gừng, rồi rửa sạch lại với nước.
- Thái gừng thành từng lát mỏng khoảng 1-2 mm, ngâm gừng đã cắt với nước có thêm chanh và một ít muối vào. Bước này giúp gừng giữ được màu mà lại còn không bị thâm đen.
- Rửa sạch gừng đến khi nước trong thì thôi, cho hết gừng vào nồi rồi đem luộc cùng với một ít chanh và muối trong khoảng 15 phút.
- Vớt gừng ra bỏ vào thau nước đá, rồi rửa sạch và để đến khi ráo nước.
Bước 2: Tiến hành ướp gừng
Tiếp tục cho gừng vào lại nồi rồi luộc thêm lần 2, khi nước bắt đầu sôi bạn vắt vào nồi ½ trái chanh rồi tiếp tục đun trong khoảng 15 phút nữa. Vớt gừng ra, rồi để cho đến khi gừng ráo nước. Việc luộc lại gừng lần 2 nhằm mục đích làm cho gừng bớt vị cay nồng, không bị quá khó ăn cho một số người không biết ăn cay nồng.
Lấy một cái thau nhỏ sạch, cho hết phần gừng đã sơ chế vào thau rồi thêm phần đường đã chuẩn bị vào trộn đều với nhau, ướp gừng trong khoảng 4 tiếng.
Bước 3: Sên gừng
Khi đường đã ngấm vào gừng, bạn đem hỗn hợp gừng bỏ vào 1 cái chảo to để thuận tiện đảo gừng, rồi nấu với lửa từ trung bình lớn. Khi bạn thấy phần nước đường bắt đầu dần sệt lại, thì hạ nhỏ lửa. Lúc này bạn nên đảo gừng liên tục để tránh việc bị cháy khét.
Khi bạn thấy đường khô lại và kết tinh thành bột trắng bám dính vào gừng, như vậy, mứt gừng lúc này đã hoàn thành và tắt bếp.
1.3. Thành phẩm
Để cho mứt gừng nguội và khô ráo lại hoàn toàn, bạn có thể đựng phần gừng vào túi hoặc một cái hộp rồi đậy kín nhé. Sẽ rất là ngon khi bạn vừa nhâm nhi một tách trà nóng cùng với mứt gừng, kéo dài mọi cuộc vui với người thân, gia đình.
Với cách làm mứt gừng đơn giản như thế, mứt gừng tự tay chúng ta làm vô cùng bắt mắt không thua kém gì ngoài cửa hàng đâu. Khi thưởng thức mứt gừng bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh từ lớp đường bên ngoài của gừng, và vị cay nồng vốn sẵn có của nó.
2. Cách làm mứt gừng lát dẻo có màu đỏ tự nhiên
Ngoài món mứt gừng truyền thống, để thêm phần đặc sắc trong mâm mứt ngày Tết của gia đình, mình có thể chế biến món mứt gừng lát dẻo đỏ tự nhiên dưới đây.
2.1. Nguyên liệu để làm mứt gừng lát dẻo có màu đỏ tự nhiên
Để thực hiện cách làm mứt gừng truyền thống thì chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây:
- Gừng: 600 gram
- Củ dền: 2 củ
- Chanh: 2 trái
- Gia vị có: đường và muối
2.2. Hướng dẫn các bước làm mứt gừng lát dẻo có màu đỏ tự nhiên
Bước 1: Sơ chế gừng: Thực hiện như ở cách làm mứt gừng truyền thống
Bước 2: Ướp mứt gừng: Cho phần gừng đã sơ chế vào cái thau nhỏ, cho 300 gram đường vào, và nước ép củ dền vào trộn đều rồi bọc màng bọc thực phẩm. Để qua đêm cho đường và màu củ dền thấm vào miếng gừng.
Bước 3: Sên hỗn hợp gừng: Bắc một cái chảo, bỏ hỗn hợp gừng đã chuẩn bị vào, và thêm 150ml nước lọc, sên với lửa nhỏ trong khoảng 25 phút cho đến khi đường bắt đầu khô lại, rồi đem gừng đi sấy ở 100 độ C trong 45 phút, vậy là hoàn thành món mứt gừng sấy dẻo.
2.3.Thành phẩm
Vậy là chúng ta hoàn thành món mứt gừng lát dẻo đỏ, vừa thơm ngon, bắt mắt. Cách làm mứt gừng lát dẻo đỏ tự nhiên tưởng khó mà không khó, chúng ta có thể dễ dàng làm dành tặng cho những người thân yêu trong dịp Tết đến.
3. Cách để chọn gừng tươi ngon và những lưu ý
- Gừng tươi, thơm ngon là gừng có màu sắc riêng biệt hai màu giữa vỏ và ruột, và có mùi thơm nồng đặc trưng của gừng. Nên chọn những củ gừng bánh tẻ vừa độ ( tức là củ gừng không quá già cũng không quá non) thì làm mứt gừng sẽ ngon và đẹp nhất.
- Tùy theo khẩu vị, sở thích của mỗi người hay gia đình, mà luộc 2-3 lần để giảm vị cay phù hợp.
- Sử dụng lượng gừng vào đường sao cho đảm bảo tỷ lệ 2:1 ( 2 phần gừng, 1 phần đường) để lúc sên đường sẽ đủ kết tinh và áo đều miếng gừng.
- Không nên chọn những củ có quá nhiều cành vì sẽ khó sơ chế hơn.
- Khi bạn muốn ăn một lát gừng ngọt và đỡ cay thì nên thái gừng thành từng lát mỏng, muốn gừng dẻo, mềm, bùi thì thái lát dày hơn. Do đó bạn có thể quyết định được độ cay nồng tùy vào sở thích nhé!
Với những chia sẻ về cách làm mứt gừng và những lưu ý khi làm mứt gừng trong bài viết trên, bạn hãy làm ngay món mứt gừng này để nhâm nhi trong ngày Tết, ngoài ra còn có thể dành tặng cho những người thân yêu. Chúc bạn thực hiện thành công!