1. Sự thật thú vị về món hủ tiếu khô
Hủ tiếu vốn là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là khu vực Nam Bộ. Thậm chí, ta có thể dễ dàng bắt gặp các xe đẩy hoặc quán hủ tiếu tại khắp các con phố hay ngõ nhỏ nơi đây. Món ăn này thân thuộc đến mức người Tây Nam Bộ có thể ăn hủ tiếu vào tất cả các bữa trong ngày.
Ngày nay, món hủ tiếu còn được biến tấu với nhiều cách chế biến, gia giảm thêm các nguyên liệu khác nhau và có tên gọi rất đặc biệt: Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu sườn non, hủ tiếu xá xíu… Thế nhưng, hương vị thân thuộc, đậm đà, bình dị của món hủ tiếu khô vẫn không thể thay thế.
Đặc biệt, cách làm hủ tiếu khô của người Nam Bộ sẽ rất riêng biệt, độc đáo với sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu, rau củ. Có lẽ chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn khó có thể chối từ của món ăn này.
2. Cách làm hủ tiếu khô chuẩn vị Nam Bộ
Cách làm hủ tiếu khô không phức tạp như món hủ tiếu nước, không nhiều dầu mỡ như hủ tiếu xào nhưng đem đến hương vị thanh thanh, đậm đà gây thương nhớ. Để làm món ăn này tại nhà, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu và thực hiện theo hướng dẫn sau:
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Cách làm hủ tiếu khô hương vị Nam Bộ đòi hỏi chuẩn bị khá nhiều nguyên liệu. Tuy nhiên, thành phẩm đạt được sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng xứng đáng:
- Hủ tiếu khô: 300g
- Xương ống: 400g
- Thịt nạc vai heo: 200g
- Gan heo: 100g
- Tôm tươi: 200g
- Tôm nõn: 6-8 con
- Mực khô: 10g
- Trứng chim cút: 10 quả
- Củ cải trắng: 1 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Rau cải cúc: 200g
- Sữa tươi: 100g
- Rau thơm: Mùi tàu, hành, hẹ
- Tỏi băm, hành phi, tỏi phi
- Gia vị: Đường, dầu ăn, muối, bột ngọt, tiêu, hạt nêm, dầu hào, xì dầu
2.2. Sơ chế nguyên liệu
Các nguyên liệu sau khi được chuẩn bị đầy đủ sẽ đem đi sơ chế như sau:
- Thịt nạc vai heo rửa sạch, băm nhỏ và ướp cùng 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt tiêu.
- Xương ống rửa sạch, chần sơ với nước sôi rồi đem rửa lại loại bỏ cặn bẩn.
- Tôm tươi cắt đầu, rút chỉ và rửa sạch với nước sau đó ướp cùng 1 thìa cà phê bột nêm.
- Tôm khô rửa sạch, đem ngâm trong nước lạnh 15-20 phút.
- Mực khô nước sơ, rửa sạch lại với nước.
- Gan heo ngâm trong sữa tươi 15 phút sau đó rửa lại nhiều lần với nước, để cho thật ráo.
- Củ cải, cà rốt nạo vỏ rửa sạch và cắt thành từng khoanh.
- Rau ăn kèm nhặt bỏ phần lá hỏng, cắt rễ rửa sạch hoặc ngâm thêm nước muối 10-15 phút để loại bỏ tạp chất.
2.3. Chế biến các nguyên liệu ăn kèm
Không chỉ khâu sơ chế, mà việc chế biến các nguyên liệu cũng quyết định cách làm hủ tiếu khô có thành công hay không. Món ăn này đòi hỏi công đoạn chế biến tương đối cầu kỳ:
- Tỏi băm đem phi thơm, sau đó cho thịt nạc vai đã ướp vào xào săn.
- Gan heo cho vào luộc ngập nước trong 10-15 phút, cho thêm chút hạt nêm để gan được đậm đà. Khi gan chín vớt ra cho nguội bớt rồi thái thành những lát mỏng vừa ăn.
- Tôm tươi luộc chín, bóc vỏ.
- Trứng cút luộc chín, bóc vỏ và để riêng.
- Rau cải cúc chần sơ với nước sôi trong 2-3 phút, sau đó vớt ra và nhúng vào nước lạnh ngay để giữ màu xanh.
- Hủ tiếu trụng với nước sôi đã thêm 1 thìa dầu ăn trong 3-5 phút, sau đó trút hết ra rổ và xả dưới nước lạnh.
2.4. Làm nước sốt ăn hủ tiếu khô
Với hủ tiếu khô, nước sốt là yếu tố không thể thiếu quyết định rất lớn đến hương vị món ăn. Vì vậy, bên cạnh cách làm hủ tiếu khô, bạn cần nấu nước sốt để ăn kèm.
Để có tô hủ tiếu khô chuẩn Nam Bộ, bạn nấu nước sốt theo công thức sau:
- Cho vào nồi: 3 thìa canh xì dầu, 2 thìa canh đường, 1 thìa canh dầu hào, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 100ml nước.
- Đặt nồi lên bếp, đun với lửa vừa, khuấy đều để các nguyên liệu hoà quyện vào nhau.
- Đun hỗn hợp trong 3-5 phút khi thấy sánh quyện thì cho 20g tỏi phi, 10g hành phi vào đảo đều rồi tắt bếp.
2.5. Nấu nước dùng
Cách làm hủ tiếu khô chuẩn Nam Bộ yêu cầu phần nước dùng trong, thanh mát, đậm đà. Để có được điều đó, bạn làm theo hướng dẫn sau:
- Cho xương ống, cà rốt, củ cải, tôm khô, mực khô, 1 thìa cà phê muối vào hầm cùng 1,5 lít nước.
- Hầm nước dùng liên tục trong 40 phút, vừa hầm vừa hớt bớt bọt để nước dùng được trong hơn.
Nếu có nồi áp suất bạn có thể cho xương vào hầm sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn. Nếu nấu nước dùng bằng bếp từ hoặc bếp gas cần chú ý canh lửa vừa phải để nước dùng không bị trào ra ngoài.
2.6. Thưởng thức thành phẩm
Sau khi đã chế biến đầy đủ các nguyên liệu, nấu nước sốt, hầm nước dùng thì món hủ tiếu khô đã gần như hoàn thành. Lúc này bạn chỉ cần chuẩn bị tô lớn để sắp xếp món ăn và thưởng thức thành quả.
- Cho hủ tiếu khô vào tô, lần lượt xếp tôm, gan heo, thịt bằm, trứng cút, rau cải cúc, hành, hẹ, rau thơm, tỏi phi,
- Rưới vào tô hủ tiếu khoảng 4 thìa canh nước sốt.
- Sau đó chan nước dùng, thêm hành ngò cắt nhỏ là có thể thưởng thức.
Cách làm hủ tiếu khô cho thành phẩm nước dùng trong, hương vị thanh mát, gan heo mềm ngọt, tôm thơm dai, rau cải cúc chín tới và còn xanh nguyên là đạt yêu cầu. Bạn có thể ăn kèm hủ tiếu khô với rau sống, rau mùi tùy ý để gia tăng hương vị món ăn.
Dù là món ăn khá cầu kỳ, tốn nhiều thời gian chuẩn bị nhưng hủ tiếu khô sẵn sàng gây thương nhớ cho bất cứ ai ngay lần đầu thưởng thức. Đừng ngại ngần áp dụng cách làm hủ tiếu khô để chiêu đãi những người thân yêu khi có dịp bạn nhé!