Cách làm giò thủ giòn dai không cần hàn the nhưng mang đậm phong vị ngày Tết

Cao Thanh Xuân
Cách làm giò thủ không quá phức tạp. Với công thức gợi ý dưới đây, chỉ sau vài bước làm bạn có thể tạo nên miếng giò béo ngậy, giòn sần sật cho ngày lễ Tết.

Nhắc đến giò thủ, người ta nghĩ ngay đến hương vị Tết với mâm cơm quây quần bên gia đình. Không chỉ là một nét ẩm thực đặc trưng của ngày Tết, đây cũng là một món ăn chính trong bữa ăn của nhiều gia đình. Cách làm giò thủ tương đối đơn giản nhưng cần tỉ mỉ trong từng công đoạn.

1. Nguyên liệu cần chuẩn bị

Bước chuẩn bị và chọn nguyên liệu là một phần quyết định để thực hiện thành công món ăn. Dưới đây là những nguyên liệu quan trọng cần chuẩn bị những gì cho món ăn này:

  • Tai heo: 500g
  • Lưỡi heo: 300g
  • Mũi heo: 200g
  • Thịt heo giò trước: 200g
  • Mộc nhĩ: 50g
  • Nấm hương: 50g
  • Hành, tỏi, gừng, gia vị bao gồm hạt nêm, muối, tiêu, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, đường
  • Lá chuối
  • Khuôn ép giò
Nguyên liệu làm món giò thủ
Nguyên liệu làm món giò thủ

2. Cách làm giò thủ giòn dai chuẩn vị

Đã chuẩn bị đủ nguyên liệu rồi thì chúng ta cùng bắt tay vào các bước thực hiện món ăn! Cùng theo dõi quá trình sơ chế nguyên liệu và cách làm giò thủ dưới đây!

2.1. Sơ chế nguyên liệu

Bước 1: Sơ chế tai, lưỡi và mũi heo

  • Tai heo và mũi heo làm sạch lông, sau đó rửa nhiều lần và để ráo nước. Lưỡi heo rửa sạch.
  • Bắc nồi nước lên bếp, đợi đến khi nước sôi thì cho vào một ít bột ngọt, đường và vài lát gừng.
  • Nước sôi thì cho tai, mũi và lưỡi heo vào chần khoảng 5 phút. Đến khi chín khoảng tầm 80% thì bạn vớt hết ra, cho vào ngâm với nước đá. Sau đó để ráo nước, thái thịt thành những lát mỏng nhưng to bản.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

  • Hành tỏi băm nhuyễn
  • Mộc nhĩ đem ngâm nước ấm đến khi nở thật mềm, vớt ra để ráo nước và thái thành sợ thật nhỏ.
  • Sau đó cho một ít hành tỏi băm nhỏ, hạt nêm và tiêu xay vào ướp và trộn đều.
  • Nấm hương ngâm trong nước ấm khoảng 20 phút, sau đó để ráo nước và thái nhỏ.
  • Lá chuối trụng với nước sôi, sau đó để ráo và lau khô bằng khăn sạch. Nếu những ngày có nắng to thì bạn cũng có thể đem phơi khoảng 30 phút để cho lá héo rồi dùng khăn lau sạch lại.
  • Khuôn ép giò rửa sạch, sau đó phơi ráo và lau khô để sử dụng.

2.2. Ướp hỗn hợp tai, mũi, lưỡi

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và sơ chế nguyên liệu, công đoạn tiếp theo trong cách làm giò thủ đó là ướp và xào tai, mũi, lưỡi heo. Cách ướp chuẩn bị như sau:

  • Ướp thịt với các gia vị đã chuẩn bị: đường, bột ngọt, hạt nêm, muối và tiêu xay, tiêu sọ. Lưu ý nên cho gia vị vừa phải để tránh giò bị mặn.
  • Trộn đều hỗn hợp sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút để gia vị ngấm đều với thịt.
  • Cho dầu vào chảo, phi hành tỏi đã băm nhuyễn đến khi dậy mùi thơm.
  • Cho hỗn hợp tai, mũi và lưỡi heo đã ướp vào xào, để lửa vừa và đảo liên tục để thịt không bị cháy.
  • Thử lại và nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của bạn và gia đình.
  • Đến khi thấy phần thịt săn lại thì bạn cho mộc nhĩ và nấm hương vào đảo cùng. Xào đến khi nấm thật chín thì tắt bếp.
Ướp và xào hỗn hợp tai, lưỡi, mũi heo
Ướp và xào hỗn hợp tai, lưỡi, mũi heo

2.3. Gói giò thủ

Cách gói bằng lá chuối

  • Trải dây buộc lên bàn hoặc mâm, xếp chồng nhiều lớp lá chuối lên nhau.
  • Ở chính giữa của lá, cho phần hỗn hợp đã xào vào và gói lại tương tự như cách gói bánh tét. Lưu ý nhớ dùng tô để hứng mỡ chảy ra trong quá trình gói.
  • Dùng dây cột buộc lại thật chặt.
Gói giò thủ bằng lá chuối
Gói giò thủ bằng lá chuối

Hướng dẫn gói bằng khuôn ép giò

  • Sử dụng khuôn ép giò sẽ đơn giản và bảo quản giò được lâu. Bạn chỉ cần cho phần hỗn hợp vào khuôn, sau đó nén xuống thật chặt.
  • Đợi đến khi phần hỗn hợp đã nguội bạn đem cho nó vào tủ lạnh và để khoảng 6 giờ để nguyên liệu kết lại với nhau.
  • Tháo giò ra khỏi khuôn và cho vào màng bọc thực phẩm hoặc cho vào hộp kín để bảo quản giò.

2.4. Thành phẩm

Giò thủ được xem là đạt yêu cầu khi thành phẩm có màu hơi hồng. Phần mỡ đông xen kẽ màu nâu của nấm. Khi thưởng thức, miếng giò thủ giai giòn sần sật, vị béo của giò hòa với vị cay của tiêu kích thích vị giác.

Cắt nhỏ miếng giò vừa ăn, bày biện ra dĩa, ăn kèm với dưa kiệu thì đúng bài. Có thể nói, giò thủ là một món ăn làm cho hương vị ngày Tết càng thêm đậm đà hơn. Đây cũng là món ăn mà rất nhiều người ưa thích trong các dịp lễ Tết.

Thành phẩm món giò thủ giòn dai
Thành phẩm món giò thủ giòn dai

3. Một số lưu ý để gói giò thủ thành công

Có một số lưu ý bạn nên nhớ để món giò thủ thêm ngon:

  • Nên lựa chọn tai heo cỡ vừa để độ giòn của giò thủ ở mức vừa phải. Nếu chọn tai to quá, thường sẽ là tai heo già thì sẽ bị cứng.
  • Để thưởng thức giò thủ được ngon nhất thì bạn nên bảo quản và sử dụng trong vòng 5 - 7 ngày để tránh để lâu giò sẽ bị thiu.

Chỉ tốn một ít thời gian để chuẩn bị và chế biến, bạn đã có ngay một dĩa giò thủ thơm ngon bày biện cho bữa cơm ngày Tết, hoặc đổi món cho thực đơn bữa ăn hàng ngày thêm mới lạ. Cách làm giò thủ ngon không khó, ngại gì mà không thử ngay công thức chế biến cho ngày Tết sắp đến.